Skip to content

Lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ là một câu chuyện hấp dẫn kéo dài hàng thế kỷ, với nhiều cột mốc và những sự kiện đáng chú ý. Từ những bước đầu khiêm tốn vào cuối thế kỷ 18, nó đã trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này. Trong bài này, chúng ta sẽ đi sâu vào lịch sử và khám phá những sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Lịch sử của chứng khoán Mỹ

1. Thời kỳ phôi thai của chứng khoán

Thị trường chứng khoán có vai trò trung tâm trong mọi nền kinh tế. Chúng là nơi để mua và bán cổ phiếu của các công ty, cho phép các nhà đầu tư tham gia vào các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Trong lịch sử, khái niệm cổ phiếu ra đời ở châu Âu đầu tiên với sự xuất hiện của các công ty cổ phần, cho phép cá nhân đầu tư vào các chuyến thám hiểm và liên doanh thương mại. Người ta đã ghi nhận Sàn giao dịch chứng khoán chính thức đầu tiên là Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam được thành lập vào năm 1602. Lúc đầu, chỉ có cổ phiếu của Công ty Đông Ấn Hà Lan được giao dịch, biến nó trở thành công ty đại chúng đầu tiên trên thế giới.

Tại Mỹ, một tiền thân của Sở giao dịch chứng khoán New York được thành lập vào năm 1792 với Thỏa thuận Buttonwood Tree. Thỏa thuận này được ký giữa 24 nhà môi giới khác nhau trên Phố Wall. Sau này, nó đã phát triển thành Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), hiện là sàn giao dịch lớn nhất thế giới.

Như vậy, có thể nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ chính thức ra đời kể từ năm 1792 tại NewYork. Ông Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, từng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển sớm của thị trường chứng khoán Mỹ sau này.

2. Những dấu mốc quan trọng

Sự ra đời của sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (AMEX)

AMEX có từ cuối thế kỷ 18 khi thị trường giao dịch của Mỹ vẫn đang hình thành và phát triển. Vào thời điểm đó, khi chưa có sàn giao dịch chính thức, các nhà môi giới nhỏ thường gặp nhau tại các quán cà phê và đường phố để giao dịch chứng khoán. Vì lý do này, AMEX đã từng được biết đến với tên gọi là New York Curb Exchange (Sàn giao dịch lề đường tại New York).

Những nhà giao dịch này được gọi là những nhà môi giới lề đường. Họ chuyên giao dịch cổ phiếu của các công ty mới nổi. Vào thời điểm đó, những doanh nghiệp kiểu này chủ yếu hoạt động trong ngành đường sắt, dầu mỏ và dệt may…

Năm 1929, New York Curb Market trở thành New York Curb Exchange. Tổ chức này đã có một sàn giao dịch chính thức và một bộ quy tắc cụ thể. Vào những năm 1950, ngày càng nhiều doanh nghiệp mới nổi bắt đầu giao dịch cổ phiếu của họ trên New York Curb Exchange. New York Curb Exchange sau đó đã đổi tên thành American Stock Exchange vào năm 1953.

AMEX nổi lên như một đối thủ của NYSE, tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hơn và giao dịch đầu cơ. Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ cập thị trường chứng khoán và cho phép nhiều tầng lớp cùng tham gia vào lĩnh vực này.

Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC)

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) là một cơ quan quản lý độc lập của chính phủ liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư, duy trì thị trường chứng khoán công bằng và có trật tự. Quốc hội Mỹ thành lập SEC vào năm 1934 với tư cách là cơ quan quản lý liên bang đầu tiên của thị trường chứng khoán.

Mục tiêu của ủy ban này là bảo vệ các cổ đông (đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ) khỏi các hành vi gian lận và thao túng trên thị trường, cũng như đảm bảo các công ty công bố thông tin chính xác và đầy đủ. Cổ phiếu muốn được chào bán tại Hoa Kỳ phải được đăng ký với SEC trước khi phát hành ra công chúng. Bên cạnh đó, các công ty làm dịch vụ tài chính như: môi giới, tư vấn, quản lý tài sản… cũng phải đăng ký với SEC để kinh doanh hợp pháp.

Có thể nói, việc thành lập SEC vào năm 1934 tạo ra một khung pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư và duy trì tính toàn vẹn của thị trường. Sự giám sát của SEC đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì niềm tin của nhà đầu tư và tính ổn định cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Nasdaq và cuộc cách mạng giao dịch điện tử

Nasdaq là một sàn giao dịch chứng khoán có trụ sở chính tại New York. Ban đầu nó là công ty con của National Association of Securities Dealers (NASD) hoạt động từ ngày 8 tháng 2 năm 1971. Đây là sàn giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới.

Năm 2008, sàn này sáp nhập với nhóm sàn giao dịch chứng khoán Scandinavia OMX để trở thành Nasdaq OMX Group. Sau đó công ty đã đổi tên thành Nasdaq Inc vào năm 2015.

Có hơn 2500 công ty được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch hàng ngày. Nhiều trong số này là các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Apple, Microsoft, Google, Tesla, Amazon, Facebook…

Sàn giao dịch NASDAQ đi tiên phong trong việc xây dựng hệ thống giao dịch trên máy tính. Sự tập trung vào công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng đã giúp Nasdaq vươn lên trở thành một đối thủ đáng kể với các sàn giao dịch truyền thống như NYSE.

Phố Wall, nơi có trụ sở sàn chứng khoán NewYork

3. Những cuộc khủng hoảng

Mặc dù có lịch sử phát triển vài trăm năm, thị trường Hoa Kỳ đã trải qua không ít những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chúng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ kinh tế vĩ mô, những trào lưu đầu cơ, cách mạng công nghệ và cả sự sơ hở của pháp luật Mỹ. Sau đây chúng ta sẽ điểm qua một số sự kiện như thế.

Đại suy thoái và Sự ra đời của Đạo luật Chứng khoán năm 1933:
Sự sụp đổ của thị trường năm 1929 và cuộc đại suy thoái kinh tế được coi là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ. Sau đó, đạo luật Chứng khoán ra đời năm 1933 với mục tiêu khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, bằng cách yêu cầu công bố đầy đủ thông tin tài chính.

Ngày Thứ Hai Đen Tối năm 1987
Black Monday là một vụ sụp đổ thị trường nghiêm trọng khác khiến thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ mất tới 20% giá trị. Nhiều nhà kinh tế coi Black Monday là hệ quả của việc thị trường bị thổi phồng quá mức, tương tự như vụ sụp đổ năm 1929.

Bong bóng dotcom và Khủng hoảng tài chính năm 2008:
Sự vỡ bong bóng dotcom vào đầu những năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008 đã phơi bày những điểm yếu của thị trường chứng khoán. Những sự kiện này sau đó cũng đã dẫn đến sự quan tâm tăng cường pháp lý và nỗ lực quản lý rủi ro cho ngành chứng khoán.

Sự cố virus corona: 2020
Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid đã làm gián đoạn hầu hết mọi hoạt động thương mại toàn cầu. Các đợt bán tháo trở nên nghiêm trọng đến mức một số thị trường đã tạm dừng giao dịch sau khi giảm hơn 10% chỉ trong một ngày.

4. Quy mô của thị trường chứng khoán Mỹ ngày nay

Thị trường chứng khoán Mỹ có quy mô khổng lồ và chiếm ưu thế trong nền kinh tế toàn cầu. Tính đến năm 2024, thị trường này đóng góp khoảng 50% tổng giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu. Sự thống trị này là nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, vốn liên tục nằm ở vị trí số một thế giới trong nhiều thập kỷ.

Đầu năm 2024, tổng vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Mỹ ước tính khoảng hơn 50 nghìn tỷ USD, với khoảng trên 5000 cổ phiếu đang lưu hành. Con số này từng đạt đỉnh lịch sử với 7.562 cổ phiếu vào năm 1998. Thị trường Mỹ cũng có nhiều công ty lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Có 26 sàn giao dịch chứng khoán đang hoạt động tại Mỹ, tuy nhiên chủ yếu khối lượng vẫn thuộc về hai sàn NYSE và Nasdaq.

Thị trường chứng khoán Mỹ có tính thanh khoản cao với nhiều cơ hội đầu tư đa dạng. Do đó, nó đã trở thành lựa chọn hấp dẫn cho cả nhà đầu tư tại Mỹ và trên toàn cầu.

ChungkhoanMy.info

Chào bạn! Mình là Danny. Mình đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư chứng khoán Mỹ và blog này là nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giúp bạn học đầu tư đơn giản và hiệu quả nhất.

Back To Top