Biểu đồ chứng khoán là gì?
Biểu đồ chứng khoán là công cụ giúp nhà đầu tư theo dõi và phân tích biến động giá của cổ phiếu. Trước kia khi chưa có biểu đồ, người ta xem báo giá chứng khoán theo dạng văn bản. Trong đó thống kê mức giá từng ngày của cổ phiếu. Tuy nhiên kể từ khi biểu đồ ra đời, nó đã thay thế các bảng báo giá truyền thống vì tính trực quan và tiện lợi của mình.
Không chỉ thể hiện mức giá cụ thể hàng ngày, hàng giờ, biểu đồ chứng khoán còn cung cấp thông tin về hành vi của giá cổ phiếu, cũng như tâm lý của thị trường. Do đó, đọc biểu đồ là kỹ năng không thể thiếu với tất cả các nhà đầu tư chứng khoán.
Xem biểu đồ giá ở đâu?
Một trong những cách phổ biến nhất để xem biểu đồ chứng khoán là dùng các dịch vụ miễn phí như Tradingview. Tại trang chủ của TradingView, bạn nhập mã hoặc tên cổ phiếu muốn xem vào ô tìm kiếm. Sau khi tìm thấy, chọn nút Xem biểu đồ hoàn chỉnh để có thể xem biểu đồ chi tiết.
TradingView có báo giá của cổ phiếu từ các sàn giao dịch trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem biểu đồ của tiền tệ, kim loại, hàng hóa, crypto…
Bên cạnh đó, khi bạn mở tài khoản chứng khoán, nhà môi giới luôn cung cấp sẵn biểu đồ để hỗ trợ khách hàng giao dịch. Bạn có thể sử dụng biểu đồ trong nền tảng giao dịch của broker để xem báo giá. Tuy nhiên, trên blog ChungkhoanMy.info mình sẽ hướng dẫn các bạn chủ yếu bằng TradingView vì nó có đầy đủ công cụ phân tích hơn cả.
Thành phần cơ bản của biểu đồ
Sau khi mở biểu đồ chi tiết, bạn có thể thấy hình dạng của biểu đồ tương tự như hình trên đấy. Mình sẽ giới thiệu sơ lược với bạn những thành phần cơ bản của biểu đồ này.
1. Mốc thời gian và Mức giá
Biểu đồ có hai trục chính. Trục nằm ngang, phía dưới là mốc thời gian. Bạn có thể đưa con chuột vào trục này để co giãn khoảng thời gian muốn xem. Ngoài ra cũng có thể dùng nút cuộn trên chuột để điều chỉnh.
Trục dọc, phía tay phải là mức giá. Đối với chứng khoán Mỹ thì giá sẽ được tính bằng USD. Tuy nhiên với cổ phiếu Việt Nam thì tiền tệ sẽ hiển thị mặc định là VNĐ. Bạn có thể nhấn vào nút tiền tệ ở trên cùng của trục dọc để chuyển đổi qua lại giữa các loại tiền tệ.
Bạn có thể đưa con chuột vào trục dọc để co giãn hiển thị. Nếu click đúp, biểu đồ sẽ tự động giãn để khoảng thời gian đã chọn được hiển thị đầy đủ nhất.
2. Giá chứng khoán
Ở trung tâm của biểu đồ chính là báo giá chứng khoán. Tại đây bạn có thể thấy những vạch kẻ (được gọi là nến) thể hiện mức giá tại từng thời điểm là bao nhiêu. Có một số loại vạch giá khác nhau mà chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể ở phần sau của bài viết.
Bạn có thể đưa con trỏ chuột lên báo giá để dóng thẳng đến hai trục hoặc xem báo giá chính xác tại mốc thời gian nào đó.
3. Khung thời gian (timeframe)
Khung thời gian là tùy chọn quan trọng của biểu đồ. Khi bạn chọn khung thời gian nào, mỗi vạch báo giá sẽ tương đương với diễn biến của khoảng thời gian đó. Ví dụ nếu chọn khung 1 ngày, mỗi vạch sẽ tương ứng với giá của 1 ngày.
Dĩ nhiên, chọn khung thời gian càng lớn, bạn càng quan sát được diễn biến giá trong dài hạn hơn. Ngược lại, khung thời gian nhỏ cho biết chi tiết hơn diễn biễn trong một khoảng thời gian nhỏ.
Biểu đồ có thể vẽ theo khung thời gian từ 1 giây cho đến 1 năm. Trong đầu tư chứng khoán, người ta thường dùng các khung thời gian phổ biến nhất là H1 (1 giờ), H4 (4 giờ), D (ngày) và W (tuần).
4. Khối lượng giao dịch (Volume)
Dưới chân của biểu đồ có các vạch kẻ thẳng thể hiện khối lượng giao dịch của cổ phiếu. Vạch càng cao là khối lượng giao dịch càng nhiều. Màu sắc của volume cho biết khối lượng đã tăng hay giảm so với vạch liền trước.
Trường hợp không nhìn thấy một thành phần nào, bạn có thể Click chuột phải, chọn Settings và tìm cài đặt để bật chúng lên.
Các loại biểu đồ phổ biến
Có 3 loại biểu đồ chứng khoán phổ biến, tương đương với 3 cách hiển thị giá như sau:
1. Biểu đồ đường (Line Chart)
- Cấu trúc: Đường gấp khúc nối các mức giá đóng cửa của cổ phiếu trong một khoảng thời gian.
- Sử dụng: Thích hợp cho việc theo dõi xu hướng dài hạn của giá cổ phiếu.
2. Biểu đồ thanh (Bar Chart)
- Cấu trúc: Mỗi thanh đại diện cho giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất và đóng cửa trong một phiên giao dịch.
- Sử dụng: Giúp nhận biết các biến động giá trong ngày và xu hướng tổng thể.
3. Biểu đồ nến Nhật (Candlestick Chart)
- Cấu trúc: Mỗi “nến” bao gồm giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất và đóng cửa. Phần thân nến thể hiện khoảng giữa giá mở cửa và đóng cửa, màu sắc nến cho biết xu hướng tăng (thường là xanh hoặc trắng) hay giảm (thường là đỏ hoặc đen).
- Sử dụng: Rất phổ biến, cung cấp thông tin chi tiết về tâm lý thị trường trong phiên giao dịch.
Trong 3 loại biểu đồ nói trên, biểu đồ nến Nhật được sử dụng phổ biến nhất. Về bản chất nó cung cấp dữ liệu tương tự như biểu đồ thanh, nhưng trực quan hơn và dễ nhìn hơn. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ về nó sau đây.
Hiểu về Biểu đồ nến Nhật
Biểu đồ nến (candlestick chart) là loại biểu đồ thông dụng nhất trong phân tích chứng khoán. Do được phát minh ở Nhật Bản nên nó cũng được gọi là biểu đồ nến Nhật. Biểu đồ là tập hợp của các “cây nến” với cấu trúc như sau:
- Thân nến (body): Hình chữ nhật ở giữa, cho biết giá mở cửa (open) và đóng cửa (close) của nến. Nến tăng được vẽ màu xanh (hoặc trắng), trong khi nến giảm có màu đỏ (hoặc đen).
Bản chất của nến tăng chính là bắt đầu ở giá thấp rồi kết thúc ở giá cao. Do đó với cây nến xanh thì giá mở nằm ở đáy, còn giá đóng cửa ở đỉnh của thân nến (xem hình mình họa).
Ngược lại, với cây nến giảm thì sẽ giá mở cửa ở đỉnh rồi đóng cửa ở phía đáy của thân nến (xem hình minh họa).
- Bóng nến (shadow / wick): Là một đường thẳng kéo dài qua thân nến, thể hiện giá cao nhất (high) và thấp nhất (low) của nến. Với bóng nến thì giá thấp nhất luôn nằm dưới và giá cao nhất luôn nằm trên đỉnh.
Dựa vào màu sắc, hình dáng, chiều dài của từng cây nến và sự kết hợp giữa chúng, nhà đầu tư có thể nhận định nhiều thông tin quan trọng về thị trường. Các mô hình nến cũng cung cấp tín hiệu cho các diễn biến thị trường, nhất là những tình huống đảo chiều. Vì thế, khi đầu tư chứng khoán bạn nên hiểu rõ và thành thạo cách đọc biểu đồ nến Nhật.
Công cụ vẽ và phân tích
TradingView cung cấp một bộ công cụ vẽ để giúp bạn phân tích biểu đồ dễ dàng hơn. Để bật công cụ này, bạn nhấn vào avatar người dùng ở góc trái. Tại menu hiện ra, bật tùy chọn Drawings Panel.
Bộ công cụ của TradingView có cực kì phong phú và đầy đủ công cụ mà bạn cần để phân tích biều đồ. Từ những công cụ cơ bản như vẽ đường thẳng, vẽ tia, trục, hình khối dạng chữ nhật, tam giác, elip… cho đến nâng cao như Fibonacci, Gann, ABCD, mô hình nến, sóng Elliott…
Ngoài ra, nó cũng cho phép bạn kí hiệu các lệnh mua bán, mũi tên, văn bản hoặc biểu tượng emoji lên biểu đồ. Từ đó có thể biến biểu đồ TradingView thành một bản thuyết trình ý tưởng, hoặc dễ dàng chia sẻ với các nhà đầu tư khác.
Chỉ báo phân tích kỹ thuật
Một công cụ không thể thiếu trong phân tích thị trường đó là các chỉ báo phân tích kỹ thuật (indicators). TradingView cung cấp toàn bộ những chỉ báo mà bạn cần. Ngoài những chỉ báo nổi tiếng, TradingView có một cộng đồng các nhà đầu tư tự biên soạn và chia sẻ những chỉ báo của riêng họ. Ngoài ra bạn cũng có thể tự tạo những chỉ báo của riêng mình bằng ngôn ngữ lập trình Pine script được tích hợp sẵn.
Các chỉ báo phân tích kỹ thuật sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong việc nhận định xu hướng, tìm kiếm cơ hội mua bán sau này. Để tìm kiếm và bật chỉ báo, bạn nhấn vào nút “Các chỉ báo” ở thanh công cụ phía trên biểu đồ.
Một điểm tuyệt vời của TradingView đó là nó có ứng dụng di động. Và phiên bản mobile của TradingView có đầy đủ toàn bộ tính năng biểu đồ của phiên bản desktop. Bạn có thể cài ứng dụng trên mobile, đồng bộ danh sách theo dõi, cấu hình của biểu đồ lên điện thoại và theo dõi ở mọi nơi.
Kết luận
Trên đây mình vừa hướng dẫn bạn cách đọc biểu đồ chứng khoán, phân loại biểu đồ và sử dụng các công cụ hỗ trợ phân tích biểu đồ. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong việc học đầu tư chứng khoán Mỹ. Chúng ta sẽ có một chương nói chi tiết về biểu đồ và kỹ năng phân tích kỹ thuật trên biểu đồ ở những bài tiếp theo.
ChungkhoanMy.info