Skip to content

Phân tích Cơ bản và phân tích Kĩ thuật là gì? Chúng khác nhau như thế nào? Phương pháp nào tốt hơn và người mới nên học phương pháp nào trước? Có phải phân tích kĩ thuật dễ hơn, hoặc phân tích cơ bản hiệu quả hơn không?…

Đó là những câu hỏi mà phần lớn mọi người thắc mắc khi tìm hiểu về chứng khoán. Trong bài viết này, Danny sẽ cùng bạn làm rõ những điều thú vị xoay quanh hai phương pháp phân tích cổ phiếu nhé.

Phân tích cổ phiếu như thế nào

Tổng quan về phân tích thị trường

Phân tích thị trường là quá trình nghiên cứu dữ liệu để đưa ra quyết định đầu tư. Đây là công việc không thể thiếu đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Tất cả công ty tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đều rất coi trọng công tác phân tích. Mặc dù không phải là tất cả, nhưng phân tích thị trường có thể coi là khởi đầu của mỗi thương vụ giao dịch. Thành công hay thất bại có đóng góp rất lớn của kĩ năng phân tích.

Trong chứng khoán có hai phương pháp phân tích chủ đạo là:

  • Phân Tích Cơ Bản (Fundamental Analysis): Phân tích cơ bản đi vào nghiên cứu các dữ liệu doanh nghiệp và thị trường (không bao gồm giá) như: yếu tố tài chính doanh nghiệp, tình hình kinh tế, lãi suất, sự cạnh tranh… Từ đó đánh giá sức khỏe, tiềm năng tăng trưởng hoặc định giá cho cổ phiếu.
    Thực sự thì Danny thích gọi tên phương pháp này là “phân tích nền tảng”, vì mình thấy nó phản ánh đúng bản chất hơn. Tuy nhiên, tên gọi phân tích cơ bản đã trở thành khái niệm phổ biến nên chúng ta sẽ dùng cả hai.
  • Phân Tích Kỹ Thuật (Technical Analysis): là phương pháp nghiên cứu báo giá, biểu đồ và khối lượng giao dịch để nhận định hoặc dự báo xu hướng của biến động giá.

Nói chung, phân tích kĩ thuật tập trung chủ yếu vào giá, trong khi phân tích cơ bản tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp. Mặc dù người ta cũng đưa ra một số trường phái khác như phân tích dòng tiền, phân tích tâm lý thị trường… với mong muốn làm một đối trọng với hai phương pháp nói trên. Nhưng thực tế, phân tích cơ bản và kĩ thuật vẫn là hai phương pháp chủ đạo và lấn át các phương pháp còn lại. Bản thân Danny cũng thấy rằng khi bắt đầu, bạn nên tập trung hiểu rõ hai phương pháp này là đủ.

So sánh phân tích cơ bản với phân tích kĩ thuật

Để hiểu rõ hơn về sự tương phản giữa hai phương pháp, hãy cùng theo dõi bảng so sánh dưới đây:

Phân tích cơ bản

– Đối tượng nghiên cứu: Số liệu tài chính, kinh tế vĩ mô, thông tin công ty, đối thủ…

– Mục tiêu: Đánh giá sức mạnh và tiềm năng của doanh nghiệp

– Quan điểm: Doanh nghiệp tốt thì cổ phiếu sẽ tăng. Nội hàm của doanh nghiệp là gốc.

– Thường áp dụng cho trung hạn và dài hạn nhiều hơn

– Một số công cụ phổ biến: Hệ số P/E, EPS, ROE, DCF, EBIT, EBITDA…

Phân tích kĩ thuật

– Đối tượng nghiên cứu: Giá cổ phiếu, biểu đồ, khối lượng giao dịch…

– Mục tiêu: Nắm bắt kịp thời và dự báo xu hướng của giá cổ phiếu

– Quan điểm: Giá phản ánh tất cả, chỉ có diễn biến giá là quan trọng

– Thường áp dụng cho ngắn hạn và trung hạn nhiều hơn

– Một số công cụ phổ biến: Đường xu hướng, hỗ trợ & kháng cự, mô hình nến, mô hình biểu đồ, chỉ báo PTKT (như Moving Averages, RSI, MACD, Bollinger Bands…)

Tôi nên lựa chọn phương pháp nào?

Trước khi lựa chọn một trong hai phương pháp nói trên, chúng ta hãy đặt ra câu hỏi: Mục tiêu thực sự của phân tích là gì?

Rõ ràng, dù chọn lựa phương pháp nào, mục đích của phân tích cũng không ngoài việc tìm kiếm cơ hội. Bất cứ cách thức nào giúp bạn phát hiện ra cơ hội tốt, đó là phương pháp tốt và phù hợp với bạn.

Ví dụ, để tìm kiếm một cổ phiếu tăng trưởng. Bạn hoàn toàn có thể nhìn vào kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính, hay nhìn vào lịch sử giá trong vài năm gần nhất, hoặc thậm chí kết hợp cả hai.

Một kĩ thuật phân tích dù rất cầu kỳ, phức tạp, nhưng nếu nó không trả lời được câu hỏi: Tôi nên mua cổ phiếu nào? Vào lúc nào? thì nó hoàn toàn vô dụng trong đầu tư. Một số người chỉ muốn độc tôn phương pháp của mình là hiệu quả hơn, và không chấp nhận phương pháp còn lại. Nó dựa trên lối suy nghĩ rằng trên đời chỉ có một phương pháp đúng, và sẽ luôn đúng trong mọi trường hợp. Dĩ nhiên đây là cách nhìn hoàn toàn sai lầm.

Mình khuyên bạn hãy tìm hiểu căn bản về cả hai. Sau đó, khi theo đuổi một chiến lược đầu tư cụ thể, bạn sẽ lựa chọn những công cụ mà mình giỏi nhất, còn các công cụ khác có tính bổ trợ. Đừng mất thời gian để tranh luận một cách vô bổ về việc phương pháp nào hay hơn, bởi vì tranh luận chẳng giúp ích gì cho việc kiếm lợi nhuận của bạn cả.

Kết luận

Lý Tiểu Long có một câu nói nổi tiếng: “Tôi không sợ người luyện 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ người luyện 1 cú đá 10.000 lần”. Câu nói này rất hợp trong câu chuyện phân tích thị trường. Bạn đừng cố biến mình thành chuyên gia phân tích đa năng, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi. Thay vào đó, bạn chỉ nên học lấy tổng quát, rồi lựa chọn và đi sâu vào một thứ mình thấy phù hợp nhất.

Trong mỗi phương pháp phân tích cơ bản hay kĩ thuật, bạn cũng sẽ còn tìm thấy vô số cách thức khác nhau để tìm ra câu trả lời. Bạn sẽ có lựa chọn riêng, và người khác cũng vậy. Không quan trọng phương pháp bạn chọn nghe có vẻ cao siêu hay đơn giản, hiện đại hay cổ điển. Quan trọng là chúng ta tìm hiểu và luyện tập đến mức độ nào mà thôi.

Chúng ta sẽ trở lại với những công cụ phân tích cụ thể trong các bài học tới. Chúc bạn đầu tư thành công!

ChungkhoanMy.info

Kết luận

Chào bạn! Mình là Danny. Mình đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư chứng khoán Mỹ và blog này là nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giúp bạn học đầu tư đơn giản và hiệu quả nhất.

Back To Top