Skip to content

Người ta thường nói khi chúng ta nỗ lực làm một công việc nào đó 4 – 5 năm thì sẽ thành thạo. Và nếu rèn luyện trong 10 năm thì có thể thực sự làm chủ được lĩnh vực đó.

Hơn 10 năm đầu tư chứng khoán kể từ 2013, Danny (cũng giống những người khác), đã trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại và những cảm xúc lên xuống cùng với thị trường này. Ban đầu mới bước vào, mình cảm thấy nó khá mơ hồ, phức tạp. Nhưng với tinh thần hăng hái, quyết tâm, mình nhanh chóng nắm bắt được kiến thức cơ bản. Có những lúc, Danny cảm thấy như vừa tìm ra một “mỏ vàng” nào đó. Mình đã rất tự tin cho đến lúc bị thị trường “vả cho sấp mặt”.

Bất cứ ai đầu tư lâu năm cùng đều có những thương vụ thua lỗ. Thậm chí nhiều “thầy” dạy chứng khoán còn đem lỗ lớn ra để khoe như một chiến tích. Với Danny, thua lỗ hay lợi nhuận đều chẳng có gì đáng để tự hào. Nó là những bài học mà chỉ những người đã trải nghiệm mới hiểu được. Còn ai chưa đi qua, dù có được cảnh báo bao nhiêu lần cũng vẫn sẽ mắc phải.

Mình đã mất hơn 5 năm để thực sự hiểu thế nào là đầu tư đích thực, và từ đó, không còn phải nếm trái đắng của những sai lầm nữa. Mặc dù biết rằng ai trong chúng ta cũng sẽ gặp sai lầm, mình vẫn viết xuống 7 nguyên tắc đầu tư cơ bản nhất cho người mới. Danny mong rằng chúng có thể giúp bạn có cái nhìn chín chắn hơn, giảm bớt rủi ro và nhanh chóng tìm thấy hướng đi đúng cho bản thân.

Bảy nguyên tắc đầu tư chứng khoán

1. Mua bán liên tục hay nắm giữ?

Một hiểu lầm cơ bản của nhà đầu tư mới, đó là muốn mua bán thật nhiều và nghĩ rằng càng chăm chỉ, mình sẽ kiếm lợi nhuận càng nhiều. Điều này có thể đúng nếu bạn là một nhân viên kinh doanh, chủ cửa hàng hay Youtuber. Nhưng đối với đầu tư tài chính, nó không đúng.

Thị trường chứng khoán là nơi “tiền đẻ ra tiền”. Nhưng muốn tiền sinh sôi và tạo ra lợi nhuận, bạn cần cho chúng một khoảng thời gian nhất định. Biểu đồ phía dưới minh họa sự phát triển của 1 đô la khi được bỏ vào thị trường chứng khoán Mỹ theo thời gian. Mặc dù có những giai đoạn suy thoái, nhưng về lâu dài, chứng khoán Mỹ vẫn liên tục tăng trưởng và làm số tiền này trở thành gần 20.000 đô la vào năm 2020.

Lịch sử tăng trưởng của chứng khoán Mỹ

Khi mới đầu tư, chúng ta luôn muốn mua hành động trong mọi phiên giao dịch. Khi cảm thấy giá sắp tăng, chúng ta mua. Khi nghĩ giá sắp giảm, chúng ta bán. Có thể vừa bán xong, chúng ta liền mua lại một cổ phiếu nếu thấy nó đang đảo chiều. Tất cả những điều đó khiến việc đầu tư trở thành một cơn ác mộng khi bạn luôn căng thẳng, mệt mỏi, vất vả.

Thực tế một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bắt đầu bằng việc lựa chọn cổ phiếu kĩ lưỡng. Họ tìm kiếm những công ty tốt, có nội lực. Sau đó, họ chờ đợi thời điểm phù hợp để mua vào, dự phòng khoản lỗ tối đa và cứ thế chờ đợi. Trường hợp giá ổn định và đi lên, họ thu được lợi nhuận lớn. Nhưng nếu giá bất ngờ đi ngược với mong muốn, lệnh chặn lỗ sẽ làm việc mà không cần sự can thiệp.

Chứng khoán Mỹ có lịch sử tăng trưởng đã được kiểm chứng suốt vài trăm năm. Nó giống như một dòng sông mạnh mẽ chảy về phía trước. Mua và bán liên tục, bạn chỉ loanh quanh ở một khúc sông để bắt những con cá nhỏ. Nhưng nếu ta ngồi thuyền xuôi theo dòng sông thì sao? Việc này có vẻ nhàm chán, nhưng rồi nó sẽ đưa bạn ra biển lớn. Lời khuyên số 1 của Danny dành cho bạn chính là “Hãy ngồi trên dòng sông”.

2. Đừng cố gắng dự đoán giá cổ phiếu

Trong khi học đầu tư, bạn sẽ gặp rất nhiều người (và thậm chí cả có bạn trong đó) nói rằng họ biết cách dự đoán thị trường. Điều này xảy ra khi chúng ta học được một vài kĩ thuật phân tích mới và nghĩ rằng nó là một “chén thánh” luôn luôn đúng. Nếu thắng được vài lần, ta lại càng tự tin hơn mà không biết mình đang rơi vào bẫy tâm lý.

Sự thật là dù không phân tích gì mà chỉ nhắm mắt mua, bạn vẫn có thể đúng được một số lần. Nhưng các nhà đầu tư mới luôn tin rằng kĩ thuật của mình là chuẩn xác nhất. Đến khi thua lỗ, họ thường đổ lỗi cho tin tức, cho “cá mập” thao túng thị trường và rồi lại chuyển sang tin vào một phương pháp khác.

Những ai ở trên thị trường đủ lâu đều biết rằng trong ngắn hạn, diễn biến của thị trường là không thể dự đoán (Điều mà những newbie không bao giờ chấp nhận). Quan trọng hơn, bạn không cần dự đoán mới có thể kiếm lợi nhuận. Chúng ta chỉ cần theo dõi, chấp nhận và hành động theo thị trường. Đó là kĩ năng số 2 mà bạn nên làm quen.

3. Đừng tin vào tin tức hoặc phân tích của chuyên gia

Khi không tin vào bản thân, một số người lại mắc một sai lầm khác, đó là tin vào chuyên gia. Trên thị trường có hai kiểu người kiếm được tiền. Một là đầu tư và kiếm tiền từ sự tăng trưởng của cổ phiếu. Hai là kiếm tiền từ việc bán hàng cho người khác. Những người có khả năng kiếm tiền từ cổ phiếu sẽ không cần bán tín hiệu, khóa học hay tạo dựng danh tiếng cho bản thân để kêu gọi bạn làm bất cứ gì. Họ chỉ cần tập trung vào đầu tư là đủ.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn không nên đi học, hay phủ nhận năng lực của mọi chuyên gia. Nhưng nếu nghĩ rằng chỉ cần làm theo họ để có lợi nhuận thì kết quả thường là bạn thua lỗ (để làm giàu cho họ).

Bạn vẫn có thể đi học, mua những tài liệu và tham khảo kiến thức nếu mức giá hợp lý. Quan trọng là sau đó, chúng ta phải trang bị khả năng tự mình ra quyết định đầu tư, chứ không dựa bất cứ ai khác. Có những “thầy” hoặc “chuyên gia” có vẻ rất uy tín trên mạng, nhưng danh mục đầu tư của họ lại chẳng bao giờ dám công khai. Sự thật họ đang muốn bán cho bạn một thứ gì đó dựa vào uy tín của mình đấy. Hãy thận trọng!

4. Luôn đầu tư vào những doanh nghiệp tốt

Ý tưởng ban đầu của chúng ta thường là chọn những doanh nghiệp tốt, uy tín. Với một suy nghĩ rằng mua cổ phiếu của công ty tốt thì giá sẽ tăng nhiều hơn một công ty kém, làm ăn thua lỗ hoặc lẹt đẹt.

Tuy nhiên, trong thực tế, mọi thứ lại rất khác. Cổ phiếu của công ty tốt nếu có tăng thì cũng tăng một cách nhẹ nhàng, điềm đạm. Còn mấy công ty vốn hóa nhỏ, mới lên sàn hoặc làm ăn thua lỗ thì lại có thể tăng rất sốc.

Ai từng đầu tư những năm qua ở thị trường Việt Nam chắc chứng kiến sự đối lập của các công ty làm ăn ổn định như FPT với những công ty “ảo ma” như FLC Faros. Tuy nhiên, người ta đổ xô vào cổ phiếu FLC và Faros rất nhiều. Bởi nó có thể giúp họ x2, x3 số tiền bỏ ra một cách nhanh chóng.

Với thị trường chứng khoán Mỹ thì cuộc chơi này còn khốc liệt hơn. Trong biều đồ dưới đây, bạn chứng kiến vào năm 2021, cổ phiếu của công ty GameStop bất chợt tăng từ giá 2 USD lên hơn 100 USD chỉ trong thời gian rất ngắn. Nó đã khởi đầu cho trào lưu được gọi là “meme stock”, là một kiểu rủ nhau đầu cơ thổi giá những cổ phiếu nhỏ (penny stock) mà không dựa trên hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu kiểu này rõ ràng là hấp dẫn vì có thể làm giàu nhanh hơn những công ty lớn và uy tín. Thế là chúng ta sẽ bỏ quên khái niệm lựa chọn công ty tốt mà chạy đuổi theo các cổ phiếu biến động mạnh. Nhưng người ta thống kê rằng phần lớn mọi người đều thua lỗ khi “lướt sóng” theo các cổ phiếu như vậy. Ngoài một vài người mua ở giá thấp, đa số là “đu đỉnh” ở giá cao.

Đầu tư nghiêm túc với doanh nghiệp tốt, hay “đánh bạc” với biến động là lựa chọn của mỗi người. Nhưng lời khuyên của Danny là nếu muốn có lợi nhuận ổn định, bạn vẫn nên làm việc với những công ty ổn định thì hơn.

5. Phân tích cổ phiếu – Simple is the best

Hiểu lầm tiếp theo mà chúng ta mắc phải là làm phức tạp hóa việc phân tích thị trường. Chẳng hạn thay vì nhìn vào giá, chúng ta kẻ vẽ, tưởng tượng và sử dụng vô số các mô hình biểu đồ, mô hình nến hoặc chỉ báo kĩ thuật. Mới đầu, những công cụ này có mang lại tác dụng. Nhưng khi bị lạm dụng thì nó khiến chúng ta ngày càng bị rối trí trong một ma trận những ý tưởng.

Nhiều công cụ liệu có giúp bạn phân tích chính xác hơn?

Tương tự như vậy, trong phân tích cơ bản cũng có vô số hệ số, chỉ số đo lường năng lực của doanh nghiệp. Khi biết cách, chỉ cần nhìn thoáng qua, bạn đã có thể chọn ra một công ty tốt. Nhưng có những nhà đầu tư dành nhiều ngày để đong đếm một doanh nghiệp “hoàn hảo”. Họ tin chắc giá cổ phiếu sẽ sớm tăng mạnh. Nhưng không, dù phân tích có kĩ lưỡng tới đâu, giá vẫn có thể giảm.

Do đó, đừng cố gắng tìm một phương pháp phân tích siêu việt, hoặc cố làm cho bảng phân tích trở nên “cool ngầu” hơn bằng những công cụ phức tạp. Hãy giữ mọi thứ đơn giản và bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn khi nhìn rõ ràng và trực diện vào thị trường hơn.

6. Cắt lỗ là điều quan trọng nhất để tồn tại

Huấn luyện viên Jose Mourinho có một câu nói rất hay: Muốn thắng thì đừng thua trước đã. Trong đầu tư cũng như vậy. Trước khi hướng đến lợi nhuận, bạn cần tìm cách giảm thiểu thua lỗ. Và công cụ tuyệt vời nhất để làm điều này là lệnh chặn lỗ (stoploss).

Mỗi giao dịch của chúng ta đều nên kèm theo một lệnh chặn lỗ. Đây là một công cụ miễn phí, tự động và đáng tin cậy. Nhưng nhà đầu tư thường sợ nó vì nghĩ rằng: không cần thiết, tôi đã phân tích rất chuẩn rồi, thế nào giá cũng đi đúng hướng. Đến khi giá đi ngược, ta bắt đầu sợ hãi nhưng lại không dám thừa nhận. Ta hi vọng nó chỉ đi xuống chốc lát rồi sẽ lên lại. Sau đó giá chìm sâu hơn và ta lỗ lớn, ta cố gắng mua thêm để hi vọng hai lệnh mua giúp tạo ra sự trung bình giá mua để sớm hòa vốn.

Nhưng thị trường dường như được thiết kế để dạy cho ta những bài học về sự tự tin. Cổ phiếu sẽ giảm và khoản lỗ được nhân đôi. Chỉ đến khi ta không thể chịu đựng được nữa hoặc lỗ hết vốn và đóng lệnh thì giá lại bắt đầu hồi phục.

Trong suốt khoảng thời gian đó, bạn sẽ liên tục sống trong lo lắng, hồi hộp và không thể ngủ ngon. Nhưng tất cả chuyện này có thể bị loại bỏ nếu bạn có một lệnh chặn lỗ ngay khi mới bắt đầu. Nếu giá đi sai kì vọng, chặn lỗ được kích hoạt và ta sẽ bình thản chuẩn bị cho một cơ hội tiếp theo. Đó là cách làm của một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

7. Phân tán và quản trị rủi ro

Có rất nhiều yếu tố tạo nên rủi ro trong giao dịch chứng khoán. Những rủi ro khách quan như khủng hoảng, tin tức, biến động bất ngờ của thị trường. Và cũng có những rủi ro chủ quan, như:

  • Đầu tư với số tiền quá lớn so với tài sản cá nhân
  • Sử dụng đòn bẩy cao
  • All-in vào một mã hoặc một cơ hội duy nhất nào đó
  • Đánh cược vào những cổ phiếu bất ổn

Người ta hay gọi những nhà đầu tư mới, chưa trải nghiệm sự biến động và rủi ro của thị trường là F0. Nhưng nếu ở trên thị trường đủ lâu, trở thành F1, F2, hoặc thậm chí là Fxyz nào đó, thì bạn sẽ hiểu rằng không gì là không thể trong chứng khoán. Không có cổ phiếu nào là không thể giảm. Không có mức giá nào là “quá sâu rồi”, hoặc “chắc chắn không thể giảm hơn nữa”… Danny đã chứng kiến những điều rất điên rồ nhất lịch sử chứng khoán Mỹ trong suốt hơn 10 năm. Và những thứ “điên rồi nhất lịch sử” sẽ luôn được tạo ra những năm tiếp theo. Mọi dữ kiện quá khứ đều trở nên vô nghĩa trước sự khó lương của tương lai.

Việc duy nhất bạn nên làm là chuẩn bị trước cho mọi tình huống, đó gọi là quản trị rủi ro. Người xưa đã nói “quân tử phòng thân”. Luôn đặt câu hỏi: nếu chuyện này xảy ra ngược lại thì sao? Mình đã chuẩn bị như thế nào cho tình huống xấu nhất. Mình đã phân chia cơ hội và rủi ro để không bao giờ bị mất hết hay chưa…

Làm như vậy, có thể bạn không phải là người bơi nhanh nhất, nhưng sẽ là một trong số ít sống sót để ra đến biển cả. Có một điều chắc chắn bạn sẽ thấy. Trong chứng khoán người mới luôn nói về cơ hội và lợi nhuận, còn những người thành công nói về sự an toàn và rủi ro. Nó không phải là bi quan, nó là sự chín chắn của một người có khả năng cầm tiền để sinh lời trên thị trường này.

Kết luận

Warren Buffett có một lời khuyên rằng “đừng bao giờ thử độ sâu của nước bằng cả hai chân”. Mặc dù chưa kiểm chứng đây có phải câu nói của ông Buffett thật hay không, mình thấy nó rất chính xác trong đầu tư chứng khoán. Không ngừng học hỏi và luôn ưu tiên sự an toàn chính là chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của thành công. Bên cạnh đó, hãy tự mình kiểm chứng mọi phương pháp, đừng quá tin vào ai hay nghĩ điều gì đó luôn luôn đúng.

Danny xin chúc bạn học tập và đầu tư hiệu quả. Hẹn gặp bạn ở những bài học tiếp theo nhé!

ChungkhoanMy.info

Chào bạn! Mình là Danny. Mình đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư chứng khoán Mỹ và blog này là nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giúp bạn học đầu tư đơn giản và hiệu quả nhất.

Back To Top