Chứng khoán Mỹ là thị trường lớn và sôi động nhất trên thế giới. Hàng ngày, diễn biến của nó luôn nằm ở trang đầu trong mọi bản tin tài chính. Để có một cái nhìn tổng quan về thị trường, người ta thường theo dõi các chỉ số chứng khoán. Vậy chỉ số chứng khoán là gì? Chúng được tính toán như thế nào và có ý nghĩa ra sao trong đầu tư. Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này.
Chỉ số chứng khoán là gì?
Chỉ số chứng khoán (stock market index) là một con số đo lường tính chất của thị trường. Chẳng hạn muốn biết thời tiết hôm nay ra sao, người ta sẽ dùng con số nhiệt độ, độ ẩm không khí, lượng mưa… Tương tự như vậy, thị trường chứng khoán cũng cần những con số để giúp nhà đầu tư nhanh chóng hình dung ra tình trạng của nó.
Một kiểu chỉ số đơn giản nhất (và cũng chiếm đa số) đó là trung bình của các cổ phiếu trên thị trường. Khi nhìn vào con số trung bình, bạn dễ dàng biết được hôm nay thị trường cơ bản là tăng hay giảm, biến động nhiều hay ít. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những quyết định đầu tư. Các chỉ số chứng khoán thường đại diện cho toàn bộ hay một mảng cụ thể nào đó của thị trường. Tuy nhiên, cũng sẽ có một vài chỉ số không phải là con số trung bình (như chỉ số VIX dưới đây).
Thị trường Mỹ có khoảng 30 chỉ số chứng khoán. Sau đây hãy cùng ChungkhoanMy.info tìm hiểu một vài chỉ số nổi tiếng và quan trọng nhất.
Chỉ số S&P 500 (SPX)
Chỉ số S&P 500 (tiếng Anh: Standard & Poor’s 500, đôi khi ký hiệu là SPX500) là chỉ số bao gồm 500 công ty hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Đây là chỉ số mà bạn không thể không biết khi đầu tư chứng khoán Mỹ. Nó đại diện cho một phần lớn của thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm các công ty có vốn hóa lớn từ nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó các công ty có giá trị vốn hóa càng lớn thì sẽ có trọng số lớn hơn và ảnh hưởng nhiều đến giá trị của chỉ số hơn.
S&P500 được coi là đại diện tốt cho toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Những công ty lớn nhất trong chỉ số này đều là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet (Google), Facebook…
Chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones (DJA)
Chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones (tiếng Anh: Dow Jones Industrial Average) thường được gọi tắt là “Dow Jones”. Đây là một trong những chỉ số chứng khoán lâu đời và được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới. Nó bao gồm 30 công ty lớn và có uy tín hàng đầu tại Mỹ.
Khác với S&P 500, Dow Jones không đánh giá sức ảnh hưởng của từng cổ phiếu dựa trên vốn hóa thị trường mà dựa trên giá cổ phiếu. Dow Jones thường được sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù ra đời sớm nhất, Dow Jones cũng bộc lộ một số hạn chế khi số lượng cổ phiếu được xét đến khá ít so với toàn bộ thị trường ngày nay. Vì vậy, nó không còn là lựa chọn hàng đầu để xem xét thị trường với các nhà đầu tư. Một số công ty nổi bật trong chỉ số Dow Jones là: Boeing, Coca-Cola, Goldman Sachs, IBM, Johnson & Johnson.
Chỉ số Nasdaq Composite (IXIC)
Nasdaq Composite là chỉ số bao gồm các cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq, nơi nổi tiếng tập trung nhiều công ty công nghệ. Tương tự như S&P500, Nasdaq Composite được tính dựa trên vốn hóa thị trường của các công ty thành phần.
Nasdaq Composite được coi là đại diện cho ngành công nghệ và các lĩnh vực mới, chẳng hạn như công nghệ thông tin, xe điện, công nghệ sinh học, vũ trụ, công nghệ AI… Các cổ phiếu nổi bật trong chỉ số này là: Apple, Microsoft, Amazon, Facebook, Tesla.
Chỉ số Russell 2000
Russell 2000 là chỉ số bao gồm 2.000 công ty nhỏ thuộc thị trường chứng khoán Mỹ. Đây là chỉ số phổ biến nhất để theo dõi hoạt động của các công ty có vốn hóa nhỏ. Chỉ số này được Frank Russell Company khởi xướng vào năm 1984 và hiện nay được thực hiện bởi FTSE Russell, một công ty con của London Stock Exchange Group.
Mặc dù 3 chỉ số phía trên cho chúng ta cái nhìn chung về thị trường Mỹ, vốn bị chi phối bởi các công ty lớn. Nhưng trong nhiều trường hợp, biến động của các doanh nghiệp nhỏ sẽ đi ngược lại. Russell 2000 cung cấp thông tin về hoạt động của các công ty nhỏ và trung bình, giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về thực tế của thị trường. Do đó nó được chỉ báo tốt cho sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ.
Nếu đang đầu tư vào những công ty nhỏ và vừa tại Mỹ, Russell 2000 là chỉ số mà bạn không nên bỏ qua.
Chỉ số biến động VIX
Chỉ số biến động VIX (tiếng Anh: CBOE Volatility Index) còn được gọi là “chỉ số sợ hãi” của thị trường Mỹ. Nó đo lường mức độ biến động dự kiến của thị trường chứng khoán Mỹ dựa trên các quyền chọn của S&P 500. Khi thị trường biến động càng lớn (theo cả 2 chiều tăng hay giảm) thì giá trị của VIX càng cao. Ngược lại nếu thị trường càng ít biến động thì giá trị của VIX càng nhỏ.
Một điều thú vị là VIX lấy con số 20 làm giá trị tiêu chuẩn. Khi thị trường bình yên, con số này có thể giảm xuống dưới 10. Ngược lại những lúc biến động nhất, VIX có thể tăng lên vùng 50, thậm chí 80 điểm. Khỏi cần nói cũng biết, đây chắc chắn là những ngày rất điên cuồng của thị trường chứng khoán Mỹ.
Tổng kết
Các chỉ số chứng khoán Mỹ như S&P 500, Dow Jones, Nasdaq Composite, Russell 2000 và VIX đều có vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá sức khỏe của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Hiểu rõ về các chỉ số này có thể giúp bạn đưa ra các quyết định thông minh và hiệu quả hơn trong đầu tư.
Lời khuyên của mình khi đầu tư chứng khoán là bạn nên theo dõi thường xuyên và nắm rõ tình hình các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà để chúng chi phối quá nhiều đến quyết định đầu tư. Nếu có một chiến lược tốt, cho dù ở trong điều kiện thị trường nào, cơ hội cũng vẫn luôn xuất hiện với những nhà đầu tư nghiêm túc.
ChungkhoanMy.info